Trách nhiệm người Thầy
Tôi chọn con đường giáo dục ở cái thời điểm mà bản thân tôi cũng không mấy mặn mà với nó. Khi đó tôi vẫn là nghệ sĩ biểu diễn, không nổi tiếng nhưng vẫn sống tốt với nghề biểu diễn. Rồi một ngã rẽ chợt đến khi ca sĩ Thanh Bùi mời tôi về giảng dạy tại Soul Academy, nơi để lại nhiều kỷ niệm, đa phần là đẹp. Ban đầu tôi vẫn làm cả hai, ban ngày đi dạy, ban đêm biểu diễn, khi có sự kiện thì nghỉ dạy đi chạy show.
Nhưng bản thân tôi thích tìm hiểu sâu ở những lĩnh vực mình đang hoạt động, thế là đâm đầu nghiên cứu về sư phạm, tôi bắt đầu thích thú với nó bởi tính uyên thâm và khả năng vận dụng nhiều phạm trù kiến thức khác nhau. Có lợi thế là một nghệ sĩ guitar nghiệp dư, tốt nghiệp thủ khoa ngành nhạc, biết sáng tác, hòa âm, phối khí, tôi cảm thấy có năng khiếu trong việc truyền đạt những thứ mình biết cho các lứa học trò, nên dù là mới bắt đầu, là tay ngang, tôi vẫn nhanh chóng trở thành giáo viên đắt show tại Soul và cả những nơi khác khi tôi đến giảng dạy. Thế là tôi quyết định ngưng lại con đường ca hát, tập trung chuyên sâu vào mảng giáo dục.
Ngoài việc tìm hiểu cùng lúc các kiến thức chuyên môn thanh nhạc, nhạc lý, âm thanh học và sản xuất âm nhạc, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu tâm lý học, phương pháp học, phương pháp dạy, khả năng vận dụng công nghệ vào giáo dục, phẫu thuật học… tất cả những gì có thể giúp học trò học nhanh hơn, cải thiện tốt hơn, tôi đều tìm hiểu và vận dụng. Có lẽ nhờ thế, tôi phát triển khá nhanh ở vai trò một người Thầy. Tôi mất nhiều thời gian, công sức nhưng không cảm thấy mệt mỏi hay chán nản, bời vì, tôi xem đó là trách nhiệm, là cái tâm giáo dục của mình.
“Con nghĩ Thầy dạy con có đúng không?"
Tôi không nghĩ nhiều người làm giáo dục dám nói ra điều này với học trò mình. Đứa học trò luôn thần tượng Thầy Cô mình, nếu biết rằng Thầy Cô dạy sai, thì còn gì để mà thần tượng, để mà theo học, Thầy Cô làm sao còn mặt mũi nào nữa để mà dạy.
Tôi không nghĩ đây là điều nên làm ở cương vị giáo viên vì sẽ gây sự hoang mang cho học viên. Tuy nhiên, tôi thích thì tôi làm. Quan điểm của tôi khá đơn giản, không có kiến thức hoàn hảo kể cả những cái gọi là chân lý, cho nó biết trước để nó có sự tự giác chuẩn bị đề phòng còn hơn vẽ ra một bức tranh đầy màu sắc tới lúc bước ra đời, nó vỡ lẽ, sao mấy cái này hồi xưa nó học khác giờ ra ngoài lại khác.
Khi tôi hỏi một đứa học trò:
“Con nghĩ Thầy dạy con có đúng không?”
Dạ, là sao Thầy? Thầy là Thầy mà, Thầy dạy thì phải đúng chứ Thầy!
Không, Thầy học trên quyển sách của Thầy, với người Thầy của Thầy, ở thời đại của Thầy và với mức độ hiểu biết của Thầy. Những điều đó chưa chắc đã đúng thì làm sao có thể chắc chắn cái con nhận được sẽ đúng. Muốn biết đúng hay sai, tự con phải là người kiểm chứng. Hôm nay Thầy dạy con một vấn đề, về đến nhà hãy lên google, tra cứu lại, xem xét mọi thông tin về nó, có thể con sẽ tìm được nhiều cách hay hơn để học, và có thể con cũng sẽ phát hiện những điều mà có lẽ Thầy đã nói sai. Không làm như thế con sẽ luôn tin rằng mình biết vì đã được học và luôn cho người khác sai vì không học được như con.
Nếu là học trò tôi, đừng ngại kiểm chứng những điều tôi đã giảng dạy, kể cả việc gặp tôi và nói thẳng rằng “Thầy dạy sai rồi” hay ”Em thấy có cách này tốt hơn”... càng tốt. Làm được vậy các bạn sẽ thành công, xã hội và dân tộc Việt Nam lại có thêm một người giỏi. Không làm được vậy, các bạn đang trì hoãn xự phát triển của bản thân mình.
Khi trò giỏi hơn Thầy?
Với những ai đã từng làm việc với tôi, họ sẽ thường thấy một cảnh tượng kinh khủng khiếp, học trò tôi thường hát hay, và đương nhiên hay hơn tôi. Với các học trò từng học tôi cũng từng thấy một cảnh tượng man rợ, sao Thầy hát dở thế? Và tôi thấy điều đó bình thường vì trải qua nhiều rồi.
Có thể bạn không tin nhưng thực tế nó phũ phàng thế. Tôi là người Thầy dạy nhạc hiếm hoi kết hợp cả đống năng lực siêu nhiên gồm: hát dở, đàn piano dở, guitar cũng dở ẹc. Nói chung không có gì là giỏi cả. Nên việc có một học trò giỏi cũng là bình thường.
Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể, số lượng học trò từng học tôi đa phần là hát hay, một số trong số họ thật sự xuất sắc, không ít người nổi tiếng, từng biểu diễn nhiều nơi. Vậy họ học gì ở tôi?
Tôi không ngại khi học trò giỏi hơn mình, cái tôi có thể mang lại cho họ là cái mà họ chắc chắn cần, không phải chỉ để hát hay hơn, mà để thành công và sống trọn với cái nghề chông gai họ đã chọn. Tôi dạy họ về tư duy âm nhạc, tư duy sống, cảm xúc, sự sáng tạo, giá trị nhân văn, sự tự phát triển, các đức tính cần có của một nghệ sĩ… những kỹ năng mà những cuốn sách dạy nhạc không nói đến. Tôi tự tin với những điều đó. Và mỗi ngày trôi qua, số học trò giỏi đó lại trưởng thành và thành công hơn, họ lại giới thiệu những người có cùng tư duy như họ. Cuối cùng, quanh tôi toàn những học trò giỏi hơn tôi. Đời nó éo le thế.
Khi học trò nghĩ rằng họ giỏi, thích thể hiện
Trường hợp này tôi gặp không ít, bởi rõ ràng phần đông đều khá giỏi, và cũng bởi thế nên họ đôi lúc tự tin về khả năng của họ.
Có lần tôi bắt lỗi sai phát âm tiếng Anh của một bạn, bạn ấy thì cho rằng tiếng Anh bạn ấy rất tốt nên không thể sai. Có trường hợp tôi giải thích, có trường hợp mệt nên không nói nữa. Tôi không hề có một bằng cấp tiếng Anh nào hết và phát âm tiếng Anh cũng dở tệ, nhưng khả năng phân biệt các âm thanh của tôi không tồi nhưng để giải thích ra thì mất nhiều thời gian hơn. Tôi im lặng và đợi thời điểm phù hợp sẽ đả thông kinh mạch.
Có lần học trò rống ở các nốt cao nghe muốn mệt não, tôi dừng lại và hỏi: “em cảm thấy như thế nào về âm thanh đó, em nghĩ khán giả sẽ cảm nhận gì” Bạn ấy vô tư trả lời em thấy hát nốt cao hay, em nghĩ khán giả sẽ thích. Tôi chỉ nói đơn giản “những giọng ca như Ed Sheeran, Michael Buble không nhất thiết phải cao, vẫn ẵm giải Grammy. Cao thấp không phải là giá trị, nó là gia vị, em thích thì dùng, không dùng cũng không chết, dùng nhiều thì thành dở ẹc”. Không chắc bạn đó hiểu hết ý, nhưng cuối cùng bạn đó đã hiểu hơn về âm nhạc và những giá trị của nó.
Có lần còn ác hơn, học trò hát sai cao độ, sai nhịp, phát âm sai nốt. Trò lại còn biết sáng tác, trò hát tôi nghe một vài bài sáng tác và nhờ tôi đánh giá, tôi đánh giá xong trò phán là “đôi khi không phải cứ là Thầy thì sẽ đánh giá đúng thực lực được”. Tôi nói, đúng rồi, mấy vấn đề này chủ quan mà, bạn cứ cố lên, ráng phát triển biết đâu lại thành công. Tôi nói thiệt chứ không có giỡn, tôi đã dạy vài người từ lúc sai nhịp, sai cao độ cho đến khi hát đúng cao độ và đúng nhịp. Ông học trò người Đức tôi đang dạy là một ví dụ điển hình, ổng học được 4 năm rồi. Giờ đã bắt đầu đúng cao độ và nhịp phách hơn trước. Cái khó của bạn học trò kia là bạn chỉ cho bản 3 - 6 tháng để khắc phục. Tôi nín lặng, bàng hoàng!
Còn nhiều trường hợp lắm, đa phần là bay khá cao và khá xa. Cũng không trách được vì cái ngành này là nghệ thuật, sự khen chê đúng, sai, hay, dở chỉ mang tính chủ quan, tương đối. Xui các bạn là gặp trúng ông Thầy nhây nhây, hôm nào vui tôi khen “Thầy thấy vậy cũng hay” hôm này buồn tôi làm luôn một tăng cho trò đáp xuống cho lẹ.
Học trò “kiểm tra” năng lực Thầy
Cái này thỉnh thoảng, vì học trò tôi phần lớn đều đã qua cái tuổi hay ăn chóng lớn nên tư duy cũng cao hơn mấy đứa nhỏ tí xíu, muốn học Thầy thì phải test Thầy, tôi bị dị ứng thể loại này dù tôi ngày xưa cũng thế, thời còn trẩu. Thường các ca này tôi giả điên giả khùng là nhiều. Ai học tôi sẽ thấy tôi thường hát hò lè nhè, nhây nhây là nhiều chứ hát thật sự thì hiếm khi xảy ra, tại tôi biết mình hát dở.
Tôi không thuộc tuýp nghệ sĩ bóng bẩy (hồi xưa bóng lắm nên giờ bớt rồi), tôi cũng không thuộc tuýp giáo viên chỉnh tề. Tính tôi nó thế, mọi thứ phụ thuộc tư duy, tôi chọn học trò để dạy chứ không phải muốn học, có tiền đem đến đóng là nhận cho nên khỏi mắc công kiểm tra.
Học trò hoặc phụ huynh tặng quà
Tôi sợ quà cáp, nói ra thấy không cam lòng. Nhưng mà thiệt, hồi xưa thì thích có quà, nhận quà vài lần cái thấy sượng sượng. Tôi không thích cảm giác hàm ơn. Có những món quà vì quý nên học trò mới tặng, tôi trân trọng và cất kỹ lắm, giờ kiếm còn không ra luôn mà. Còn lại những dạng quà cáp để được cất nhắc, tận tình hơn thì xin tự hiểu, chuyện đó sẽ không xảy ra. Tôi trân trọng sự quý mến của học trò và phụ huynh, nhưng vì nhiều lần khó xử rồi nên không muốn rơi vào trạng thái hoang mang hoảng loạn đó nữa.
Học trò ngại khi gặp Thầy ngoài đường nên không “dám” chào?
Có lần gặp đứa học trò ngoài phố, nó lơ luôn, mẹ nó hỏi sao con gặp không chào Thầy, tôi nói không sao, chắc nó không thấy thôi ạ. Tôi đi và thấy tiếc cho tương lai của nó. Giờ tôi làm Thầy mới biết khó khăn của chữ Thầy cỡ nào và hiểu được cảm giác dạy một ai đó ra sao, cũng buồn khi trải qua chuyện đó, nhưng biết sao được, đời nó thế. Hy vọng các học trò tôi sau này đừng như thế, không là thế giới lại có thêm một người đàn ông khóc đêm vì đau lòng.
Học trò không công nhận đã từng được Thầy dạy?
Cái này tôi trải qua vài lần, họ là những bạn học trò, những người em. Tôi hướng dẫn từng chút một, vì một lý do gì đó, sau này khi vô tình được hỏi, họ nói về một người Thầy khác. Cũng có chút buồn, mà nghĩ lại, biết đâu được, người Thầy thật sự của bạn ấy đã giúp bạn ấy hiểu được nhiều hơn, vậy cũng tốt. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn chia sẻ một câu chuyện ngắn:
Một cái cây được gieo mầm đến khi trưởng thành, người gieo mầm vì lý do gì đó đi xa, một người khác đến thấy cái cây tươi tốt sắp đến độ ra hoa, ra quả thì đem công tưới cây xới đất, ít lâu sau cây cho trái ngọt. Bà con xúm vào khen và cùng tận hưởng.
Giá trị đó có lẽ không thể có được nếu thiếu người ươm mầm. Học âm nhạc cũng thế, mà thật ra cái gì trên đời này cũng thế. Tôi hướng dẫn bạn 10 vấn đề, có lẽ bạn chỉ nhớ được 3, nhưng 7 phần còn lại vẫn ở bên trong phần chìm của bộ não, đến lúc nhận được một sự kích hoạt thông tin phù hợp, lượng thông tin mới cùng với các thông tin cũ trong miền tiềm thức sẽ tái hợp và tạo nên khả năng nhận thức và lưu giữ tốt hơn.
Xưng Thầy hay anh?
Tôi là người thường nghĩ cho người khác trước, có lần tôi không muốn học trò mất cơ hội phát triển, trong buổi gặp mặt những bậc anh chị và lão làng trong nghề, tôi giới thiệu với mọi người về một đứa em, mà thật ra là học trò, và tôi nói học trò rằng, đừng xưng Thầy mà hãy xưng Anh, điều này có lợi hơn cho em. Đối với tôi, xưng hô gì không quan trọng, quan trọng là họ nhận thấy điều gì từ người mà họ đang học.
Khi học trò “hướng dẫn” lại Thầy
Thỉnh thoảng học trò, em út phán cho vài câu xanh rờn về những thứ mình từng hướng dẫn họ. Cái này ai làm giáo dục, quản lý, lãnh đạo chắc cũng gặp hơn chục lần trong đời. Mấy lúc như thế mặt tôi lại nhây lên, không buồn mà ngược lại, tôi thấy thú vị về những điều đó. Nó giúp tôi hiểu hơn về con người.
Trăn trở về hướng nghiệp cho học trò
Cuối cùng, là những trăn trở về tương lai của các học trò theo mình. Họ tốn thời gian, công sức, tiền bạc để lao đầu vào một giấc mơ. Nếu chỉ ôm cục tiền rồi chạy, tôi làm được, nhưng thấy không cam lòng. Tôi luôn muốn học trò hiểu được những giá trị lớn hơn, những hướng đi rõ ràng cho sự nghiệp của mình. Tôi dạy cho học trò hết những gì mình biết, mong họ vững bước trên con đường họ chọn. Trải qua năm năm giảng dạy, vui buồn lẫn lộn. Cảm ơn các học trò vì xem tôi là Thầy, mong các bạn sẽ thành công và đừng lơ Thầy nếu lỡ mai sau ta có còn gặp nhau nhé.
Đoàn Nhược Quý, 14/03/2017
Comments