Tôi có 3 câu nói thần thánh sau:
1. Mình thấy vấn đề này/chuyện này/cách này... hay.
2. Hôm nay có gì mới không?
3. Các bạn có câu hỏi gì không?
Thoạt nghe, có vẻ đơn giản, mà thật ra nó đơn giản thật.
Một số bạn làm việc, học tập với tôi thường thấy tôi dùng những câu đó như một phản xạ, một thói quen, nhưng thật ra, có mục đích rất rõ ràng.
Câu thứ 1
Ngoài vấn đề "Đắc Nhân Tâm" hay gọi đơn giản là "bé Thảo bán Mai", nó còn có các tác dụng tích cực ngầm bên trong. Khi một người đưa ra một ý kiến, thường nó là mong muốn và hoài bão của họ, tôi chỉ tìm cách khuyến khích họ phát triển, nếu thấy có vấn đề, tôi vẫn tìm cách khen trước rồi đưa ra các giải pháp gợi ý sau. Việc này xảy ra thường xuyên sẽ khiến người đối diện dần tự tin hơn vào năng lực của mình và có thêm nhiều "công cụ thông tin” hiệu quả để thực hiện ước mơ của mình. Đó gọi là Lập Trình Tiềm Thức.
Câu thứ 2
Mỗi ngày tôi đều hỏi mọi người xung quanh, bạn bè, nhân viên, học trò,... về điều này, họ sẽ buộc phải suy nghĩ để trả lời, khiến họ dần nhận thấy cuộc sống sao cứ bình lặng (đối với người không có gì mới) hoặc những mới mẻ của mình sao vẫn cứ bình thường (đối với người có cái mới nhưng vẫn tàn tàn). Những câu hỏi như thế kích thích việc "Tự Vấn Bản Thân" khiến họ nhìn về bên trong bản thân mình, kích thích sự phát triển trí thông minh nội tâm, khiến họ dần dần phát triển khả năng "Tìm Được Lời Giải" cho những vấn đề mà bình thường họ cũng ít khi quan tâm đến. Việc này xảy ra thường xuyên sẽ đến một lúc, mỗi ngày, họ luôn phải cố gắng tìm được cái mới để thấy mình mới hơn và, có lẽ, để đối phó trước với câu hỏi mà chắc chắn họ sẽ phải gặp khi gặp tôi. Đây cũng là Lập Trình Tiềm Thức.
Câu thứ 3
Thường thì các học viên qua một quá trình đào tạo dài dằng dặc mười mấy năm, ít khi nào phát triển được kỹ năng đặt câu hỏi hay phản biện vấn đề. Ngày nào tôi cũng hỏi, nhằm tạo ra một thói quen vô hình. Cuối giờ học là tôi hỏi, cuối giờ họp tôi cũng hỏi "Các bạn có câu hỏi gì không?", lần đầu trôi qua có lẽ không ai để ý, vài lần, họ bắt buộc phải ráng nghĩ ra câu gì đó để hỏi, càng hỏi, tôi càng trả lời và gợi các câu hỏi khác, cuộc nói chuyện cứ thế kéo dài, rồi tôi thêm vào đó các câu kết bằng việc "Tương lai của bạn có thành công hay không phụ thuộc vào số lượng và chất lượng câu hỏi của các bạn hôm nay!". Cứ thế, sau một khoảng thời gian dài, từ một lớp học "Đến Nghe Thầy Giảng" trở thành lớp học "Đến Giảng Thầy Nghe". Đây cũng là Lập Trình Tiềm Thức.
Những gì tôi đang làm, nhìn có vẻ đơn giản, nhưng nó là quá trình nghiên cứu rất dài về Tâm Lý Học, Năng Lực Não Bộ, Phương Pháp Học, Phương Pháp Dạy và Nghệ Thuật. Những gì đúc kết được, chỉ mong áp dụng được vào "lứa chuột bạch ADAM Muzic". Nếu lứa "chuột bạch" này thành công, chúng tôi có một thế hệ mới với tư duy và phương thức mới trong hoạt động giáo dục nghệ thuật. Ai muốn làm chuột bạch thì gặp tôi. Đảm bảo các bạn sẽ y chang con chuột :)). Cần nói rõ, việc vận dụng những góc độ tiềm thức chỉ với mong muốn giúp các bạn thay đổi theo hướng tốt hơn và tự do sáng tạo, không ủng hộ các phương thức lập trình tiềm thức theo hướng điều khiển tư tưởng và tư duy người khác.
Có những thứ đơn giản, nhưng thật ra nó cũng đơn giản :)).
Đoàn Nhược Quý - 05/04/2017
Comments