Dòng chảy âm nhạc luôn tiếp biến, chưa bao giờ có sự chững lại khi luôn xuất hiện những điều mới mẻ. Thế nhưng, trong dòng chảy đó, ta vẫn thấy được sự giao thoa giữa tính dân tộc và tính hiện đại. Nghệ sĩ luôn biết cách “chắt chiu” và đưa vào trong những tác phẩm của mình hơi thở của văn hóa Việt từ nghìn đời nay. Từ đó, tạo ra những sản phẩm vô cùng đặc sắc, góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc của dân tộc.
1. Tính dân tộc – nền móng phát triển của âm nhạc
Bản sắc là từ khóa “mặc định” trong suy nghĩ của nhiều người Việt khi nhắc đến tính dân tộc trong âm nhạc. Nó hoàn toàn không sai. Thế nhưng không phải ai cũng chỉ ra một cách rõ ràng và áp dụng một cách chính xác. Vậy trước hết, hãy cùng xem tính dân tộc trong âm nhạc là gì nhé.
Dạo khắp một vòng dải đất hình chữ S thân thương, mỗi vùng miền trên đất nước đều có những giá trị âm nhạc truyền thống riêng, là đại diện cho bản sắc của dân tộc. Có thể kể đến như quan họ, xẩm, ca trù ở miền Bắc. Ví giặm xứ Nghệ, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên – những nét đặc sắc không thể lẫn của khúc ruột miền Trung. Vào đến miền Nam là đờn ca tài tử, cải lương…
Đó mới chỉ là những nét đặc sắc trong âm nhạc của người Kinh, phổ biến và được nhiều người biết đến. Còn biết bao thể loại âm nhạc của các dân tộc thiểu số khác mà chúng ta chưa khám phá hết được.
Vậy tính dân tộc được thể hiện như thế nào thông qua những di sản đó? Câu trả lời đó là nó hiện hữu trong tất cả các loại di sản. Từ những nhạc cụ, giai điệu cho đến lời ca. Đây là một kho tàng đồ sộ mà trong suốt hành trình phát triển của âm nhạc dân tộc chưa ai có thể khai thác hết được.
2. Tính hiện đại – điều kiện đủ để âm nhạc phát triển
Hoàn toàn không có một khái niệm cụ thể dành cho tính hiện đại trong âm nhạc. Hiểu một cách đơn giản thì đó là sự cập nhật mới, liên tục những thể loại, nét độc đáo từ âm nhạc thế giới. Đồng thời, tìm tòi và sáng tạo những điểm mới, hiện đại cho riêng mình.
Để cảm nhận được mức độ hiện đại của âm nhạc, chúng ta phân tích dựa trên 3 tiêu chí chính đó là tính thẩm mỹ, tính sáng tạo và tính đương đại.
Thẩm mỹ ở đây đó chính là cái hay, cái đẹp. Một bài hát cho dù có thời thượng đến đâu mà giai điệu không hay và lời ca không đẹp thì chắc chắn cũng không thể tiếp cận được với khán giả.
Sáng tạo trong âm nhạc là một điều hiển nhiên. Chúng ta không thể sáng tác âm nhạc một cách trùng lặp về giai điệu và sáo mòn về ca từ. Đó là những tác phẩm đạo nhạc và hoàn toàn không mang đến giá trị cho người nghe.
Để chứng minh cho sự sáng tạo trong âm nhạc, hãy cùng nhắc lại một chút về giai thoại liên quan đến nhạc sĩ F.Schubert. Khi ông được một nhạc sĩ trẻ nhờ góp ý cho tác phẩm của mình, sau khi xem xét kỹ, ông đã nhận xét: "Các tác phẩm của anh có nhiều cái hay và nhiều cái mới. Tuy nhiên, cái hay thì không mới còn cái mới thì không hay".
Hàm ý của câu nói này là gì hẳn những ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đều sẽ rõ. Cái hay không mới có nghĩa là anh đi đạo nhạc của người khác. Còn cái mới mà không hay đó chính là sự sáo rỗng, vô giá trị.
Đương đại chính là cuộc sống. Nó diễn ra như thế nào thì chúng ta áp dụng và đưa vào trong tác phẩm của mình. Ví dụ như hiện nay âm nhạc được sáng tác theo kiểu “mì ăn liền” để đáp ứng nhu cầu của thế hệ Gen Z hơn là hướng đến sự sâu lắng và tình cảm.
Nhạc chỉ cần bắt tai, lời lẽ hoa mỹ, uốn éo, điệu đà là đã chiếm được tình cảm của người nghe. Nếu để so sánh với những ca khúc trước đây có thể thấy rõ một trời một vực. Khi mà âm nhạc vô cùng đơn giản, lời lẽ dễ hiểu nhưng ẩn sâu bên trong là ý nghĩa vô cùng sâu xa. Giờ đây, chỉ cần lên xu hướng trong một vài ngày đã là thành công.
3. Kết hợp tính dân tộc và tính hiện đại – trào lưu âm nhạc mới
Kể từ sau vụ nổ mang tên “Hoàng” của Hoàng Thùy Linh, việc đưa chất liệu dân gian vào tác phẩm âm nhạc hiện đại trở thành một trào lưu, xu hướng mới của nhạc Việt. Trong đó, có cả những tác phẩm đơn lẻ cho đến dự án lớn, dài hơi.
3.1 Những tác phẩm đơn lẻ khai thác yếu tố dân gian
Không hiếm các sản phẩm âm nhạc được các nghệ sĩ khai thác giá trị văn hóa dân gian vừa như một trải nghiệm, vừa tạo sự mới mẻ cho con đường sự nghiệp của mình. Có thể kể đến như MV được Đức Phúc cho ra mắt vào năm 2020 là “Người ơi người ở đừng về” khai thác yếu tố dân ca Quan họ và ca khúc “Hết thương cạn nhớ” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Chí Phèo - Nam Cao. Cùng với đó là cô nàng Chi Pu với MV “Anh ơi ở lại” dựa vào câu chuyện cổ tích Tấm Cám và “Cung đàn vỡ đôi” khai thác chất liệu dân gian vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trong khi đó, Hòa Minzy cũng dần chuyển hướng sang việc cho ra mắt các tác phẩm dân gian đương đại bằng ca khúc “Không thể cùng nhau suốt kiếp” tái hiện câu chuyện lịch sử của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương... Sau đó là “Thị Mầu”, “Kén cá chọn canh” theo phong cách Chèo.
Và còn rất nhiều những sản phẩm khác nữa không chỉ của các ca sĩ nhạc nhẹ mà còn cả ca sĩ chuyên hát dân gian trữ tình như Tân Nhàn. Khi cô dành hẳn một phần tôn vinh âm nhạc dân tộc trong liveshow Trở về của mình được tổ chức năm 2019 với các ca khúc: Cô đôi Thượng Ngàn (Hát Văn), Mục hạ vô nhân (Hát Xẩm), Tương phùng tương ngộ (Quan họ)...
3.2 Các dự án dài hơi khai thác tính dân tộc trong tác phẩm
Các album khai thác yếu tố dân gian được cho ra đời ngày càng nhiều hiện nay. Có thể kể đến một vài cái tên như: Ca sĩ Hà Myo, Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi, Hoàng Dũng, Hứa Kim Tuyền, Masew. Double 2T, DTAP… Mỗi người lại có hướng đi, cách khai thác riêng. Song tất cả đều góp phần quảng bá âm nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả.
Sau trải nghiệm vô cùng thành công của “Xẩm Hà Nội”, Hà Myo đã cho ra mắt hàng loại các ca khúc khai thác chất liệu xẩm như “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, “Xẩm Xuân chúc phúc”… Các ca khúc đều được đầu tư từ ca từ cho đến giai điệu, tạo nên một hướng đi riêng biệt cho cô ca sĩ trẻ này. Để rồi cứ nhắc đến Hà Myo, khán giả nhớ ngay đến những bài xẩm vô cùng trẻ trung.
Nếu nhắc đến dự án khai thác tính dân tộc mà không nhắc đến Hoàng Thùy Linh thì thực sự là thiết sót. Nhưng nhắc đến cô gái này mà không tìm ra khía cạnh mới thì lại thành quá nhàm chán bởi thành công của cô đã vươn ra tầm thế giới với ca khúc “See tình” trở thành bài nhảy quốc dân của nhiều đất nước.
Vậy thì để minh chứng cho tính dân tộc trong các tác phẩm âm nhạc, hãy cùng đề cập đến với một cái tên mới hơn đó chính là cô ca sĩ GenZ – Phương Mỹ Chi. Vốn đã sở hữu một lượng fan đông đảo, đáng mơ ước của nhiều ca sĩ, nhưng sau khi bước ra từ Giọng hát Việt, cô ca sĩ này chỉ dập khuôn trong những ca khúc trữ tình Nam Bộ. Làm sao để tìm ra hướng đi mới mà vẫn giữ được nét riêng đó là giọng hát ngọt ngào là điều khiến Phương Mỹ Chi và ekip trăn trở.
Và album “Vũ trụ cò bay” chính là câu trả lời cho sự cố gắng không biết mệt mỏi của cô. Vẫn là một Phương Mỹ Chi với giọng hát ngọt ngào nhưng đã hiện đại hơn, mới hơn. Nói là mới nhưng không hoàn toàn mới khi 10 ca khúc trong album “Vũ trụ cò bay” của cô lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học đã quá quen thuộc trong sách giáo khoa. Nó thể hiện khát khao mang những nét đặc sắc của Việt Nam vươn tầm thế giới và cũng là minh chứng cho tính dân tộc và tính hiện đại kết hợp trong những tác phẩm âm nhạc Việt Nam.
4. Vậy tính dân tộc và tính hiện đại trong âm nhạc thể hiện như thế nào?
Một tác phẩm âm nhạc được cấu tạo từ 3 yếu tố chính đó là tiết tấu, hòa âm và giai điệu. Đây là những thành phần tạo nên một ca khúc hoàn chỉnh đến với người nghe. Nhưng để kết hợp hoàn hảo điều đó vào làm 1 là cả 1 quá trình lao động vất vả của người nghệ sĩ.
Nếu là một khán giả trung thành của âm nhạc thì hẳn là bạn cũng biết dạo gần đây, có rất nhiều tác ẩm phâm nhạc được nhạc sĩ cho ra đời tìm về giá trị văn hóa của dân tộc. Vậy chúng ta nhìn vào điều gì trong bài hát để đánh giá điều đó?
4.1 Giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong tiết tấu
Tiết tấu là sự kết hợp và giao thoa giữa các trường độ với nhau. Trong âm nhạc, tiết tấu có vai trò tạo nên nhịp điệu cũng như cấu trúc của một tác phẩm. Cụ thể, khi chúng ta nghe một bài Pop Ballad sẽ thấy ngay đó là tiết tấu chậm, buồn. Ngược lại, tiết tấu của một bài Rock là nhanh, mạnh và hừng hực khí thế.
Làm sao để nhận ra được sự giao thoa giữa tính truyền thống và hiện đại trong tiết tấu? Để giúp bạn dễ hình dung hơn, chúng ta hãy cùng so sánh ca khúc “Xẩm Hà Nội” của Hà Kyo và “Thị Mầu” của Hòa Minzy nhé.
“Xẩm Hà Nội” sử dụng tiết tấu của thể loại Hát Xẩm. Đây là thể loại âm nhạc truyền thống của miền Bắc mà cụ thể hơn là các tỉnh nằm ven sông Hồng. Đặc điểm của giai điệu xẩm là đơn giản, chậm rãi để người nghe ngấm từng từ.
Trong khi đó, “Thị Mầu” của Hòa Minzy lại khai thác và áp dụng khéo léo chất liệu âm nhạc chèo vào trong tác phẩm. Và khi nhắc đến chèo, người ta nghĩ ngay đến nhịp điệu nhanh, vui vẻ.
Mỗi một ca khúc sẽ lại có nét đặc sắc riêng. Chưa nói đến ca từ, chỉ thông qua tiết tấu âm nhạc thôi người nghe cũng đã có thể hình dung được cả một bầu trời nghệ thuật dân gian truyền thống rồi.
4.2 Hòa âm – Hồn cốt của tác phẩm
Hòa âm là quá trình là nhà sản xuất tổng hợp các âm thanh đơn lẻ lại để tạo thành sự đồng nhất, kết nối cho tác phẩm. Và đây chính là hồn cốt của một tác phẩm âm nhạc.
Nhà sản xuất sẽ sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau để cùng hòa âm trong một bản nhạc. Không nhất thiết phải sử dụng xuyên suốt nhạc cụ hay âm thanh đó trong cả quá trình. Nhiều khi chỉ cần một đoạn nhạc vài giây sử dụng loại nhạc cụ đặc trưng của thể loại âm nhạc nào đó là cũng thể hiện được chất truyền thống cho tác phẩm.
Năm 2023, ca khúc “À lôi” của rapper Double 2T (tên thật là Bùi Xuân Trường) sau khi xuất hiện đã trở thành hiện tượng âm nhạc trong năm. Chỉ sau 13 ngày đăng tải trên nền tảng số mà cụ thể là YouTube, ca khúc đã đạt 10 triệu lượt nghe và dẫn đầu top trending.
Bí quyết giúp tác phẩm này trở nên “ăn khách” đó chính là sự kết hợp độc đáo giữa chất liệu dân gian của người Tày và phong cách hiện đại. Rapper Double 2T đã khai thác những âm thanh của núi rừng nơi anh đang sinh sống là điệu hát Then, tiếng đàn tính, kèn lá,... Kết hợp với thể loại Rap hiện đại để tạo nên một “À Lôi” vô cùng lôi cuốn.
Tác phẩm này chính là minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa tính dân tộc và hiện đại trong một tác phẩm âm nhạc. Nó cân bằng được giữa yếu tố nghệ thuật và đáp ứng được cả thị hiếu của công chúng.
Sau thành công đó, chàng rapper trẻ đã tận dụng lợi thế này, phát triển để xây dựng thương hiệu cho bản thân với những bài rap đậm chất dân tộc như “Người miền núi chất”, “Kéo em về làm vợ”.
4.3 Giai điệu – mảnh ghép hoàn hảo giúp quảng bá văn hóa truyền thống qua sáng tác hiện đại
Không chỉ dừng lại ở giai điệu, tiết tấu, các tác phẩm âm nhạc giao thoa giữa nét truyền thống và hiện đại còn được thể hiện thông qua giai điệu. Đây là yếu tố được khai thác nhiều nhất khi sáng tạo các tác phẩm âm nhạc hiện đại nhưng vẫn chứa đựng hơi thở dân gian.
Để nói về việc sử dụng chất liệu dân gian mạnh mẽ nhất trong ca từ bài hát thì chắc chắn không thể bỏ qua cái tên Hoàng Thùy Linh. Cô gái này dường như đã “đối thoại” trực tiếp với văn hóa dân gian để tạo nên một sự bùng nổ hiện đại chưa từng có.
Và điểm đánh dấu cho sự thành công này của cô phải kể đến album “Hoàng” được phát hành năm 2019 với chum 7 ca khúc Để Mị nói cho mà nghe, Duyên âm, Em đây chẳng phải Thúy Kiều, Lắm mối tối ngồi không, Kẽo cà kẽo kẹt, Tứ phủ, Kẻ cắp gặp bà già.
Những hình tượng mà cô lựa chọn để đưa vào tác phẩm của mình là những người phụ nữ điển hình trong văn hóa, văn học Việt. Đó là Mị (Để Mị nói cho mà nghe), Kiều (Em đây chẳng phải Thúy Kiều), Tấm (Kẽo cà kẽo kẹt), cô Bơ (Tứ Phủ). Thế nhưng, khi nghe những ca khúc này, người nghe không thấy có bất cứ một sự nhàm chán nào mà ngược lại, tất cả đều vô cùng vui tươi, mang đậm tính thời đại.
4.4 Các yếu tố văn hóa dân tộc được khai thác để làm MV âm nhạc
Bên cạnh 3 yếu tố chính của một tác phẩm âm nhạc trên, tính dân tộc còn thể hiện ở trong việc thực hiện các MV âm nhạc của nghệ sĩ. Nó thể hiện ở những khía cạnh sau:
4.4.1 Khai thác đề tài lịch sử vào trong sản phẩm âm nhạc
Đề tài lịch sử được các ca, nhạc sĩ sử dụng để làm MV âm nhạc. Tuy nhiên, nó khó hơn việc đưa tác phẩm văn học một chút vì phải đảm bảo tính đúng đắn, không được sáng tạo quá mức. Tiêu biểu trong số đó có dự án Nam Phương Hoàng Hậu của ca sĩ Thu Phương hay MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy cùng gợi lại một lát cắt về bà hoàng hậu Triều Nguyễn.
4.4.2 Khai thác các tác phẩm văn học làm chất liệu để sáng tác
Khai thác tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam làm chất liệu sáng tác âm nhạc hiểu đơn giản đó là nhà sản xuất sẽ sử dụng tên tác phẩm, 1 nhân vật trong tác phẩm để từ đó, triển khai ca từ sao cho phù hợp nhất.
Có thể kể đến một vài cái tên như: Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao vào ca khúc cùng tên “Chí Phèo” (Bùi Công Nam), “Hết thương cạn nhớ” (Đức Phúc)... Truyện cổ tích Tấm Cám được đưa vào ca khúc “Bống bống bang bang” (Nhóm 365), “Anh ơi ở lại” (Chi Pu) khai thác chất liệu từ truyện cổ tích Tấm Cám...
4.4.3 Khai thác tín ngưỡng dân gian
Việc khai thác tín ngưỡng dân gian không nhiều nhưng nso biểu hiện khá phong phú. Mà minh chứng rõ nhất là 2 sản phẩm “Cô đôi Thượng Ngàn” của Tân Nhàn và “Tứ phủ” của Hoàng Thùy Linh khi đều khai thác tín ngưỡng thờ tam tứ phủ của dân tộc, còn được gọi là Đạo Mẫu.
4.4.4 Khai thác yếu tố văn hóa dân gian
Văn hóa dân gian là kho tàng vô cùng rộng lớn, nó được thể hiện thông qua nhiều khía cạnh khác nhau như tạo hình trang phục, bối cảnh thực hiện MV, trang phục của ca sĩ, diễn viên. Đây là một khía cạnh được nhiều nghệ sĩ khai thác vì nó thể hiện rõ nhất chất truyền thống trong một tác phẩm nghệ thuật.
Trong MV “Mời anh về Tây Bắc” của Sèng Hoàng Mỹ Lam, chúng ta có thể thấy ngập tràn sắc màu văn hóa dân gian của vùng cao Tây Bắc. MV của Hoàng Thùy Linh mỗi một ca khúc với đề tài khác nhau lại được cô đầu tư cả về bối cảnh lẫn trang phục. Từ đó, không chỉ giúp khán giả đã tải mà còn rất đã mắt.
Có thể khẳng định tính dân tộc và tính hiện đại kết hợp trong những tác phẩm âm nhạc Việt Nam đang là một xu hướng hiện nay. Đây chắc chắn là một tín hiệu vui cho thấy nghệ thuật cho dù mới mẻ đến đâu đi chăng nữa thì văn hóa truyền thống vẫn là giá trị cốt lõi cần được các nghệ sĩ chung tay bảo tồn và phát huy.
留言